Đầu thế kỷ 20, khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây và Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xã hội Việt Nam bắt đầu có những thay đổi. Sự xuất hiện của một số tờ báo về phụ nữ, những trí thức nữ, những sinh viên và học sinh các trường dành riêng cho phụ nữ như Đồng Khánh, Trưng Vương những năm 1930-1940 đã tạo ra một không khí mới về vấn đề bình đẳng nam nữ trong gia đình và xã hội. Cụ Hoàng Ngọc Phách, trong hồi ký của mình đã miêu tả rất kỹ những cuộc tranh luận, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt học thuật về vấn đề này. Chính những cuộc tranh luận ấy đã khiến cho những tư tưởng tiến bộ về tự do, bình đẳng, bác ái, về nữ quyền và bình đẳng nam nữ từ cách mạng Pháp được truyền bá mạnh mẽ vào Việt Nam. Về phương diện này, chính mặt tiến bộ trong văn hóa gia đình của Pháp đã là lực lượng mạnh mẽ đầu tiên tấn công vào tư tưởng cổ hủ của lễ giáo phong kiến.