Từ thực tế các khoá trước cũng như từ Kỳ họp thứ nhất, các ý kiến đề nghị cần rút kinh nghiệm và siết chặt các khâu để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong những kỳ họp tới, mà trước mắt là kỳ họp thứ 2. Trong đó, công tác xây dựng luật cần phải được chú trọng đổi mới.
“Để có đảm bảo chất lượng dự án luật thì chất lượng dự thảo luật và thời gian gửi dự thảo là rất quan trọng. Với dự thảo không đảm bảo thì cần cương quyết trả lại. Sự cố Bộ luật Hình sự có nguyên nhân từ chất lượng dự thảo trình giai đoạn đầu chưa đảm bảo nhưng ta nể nang, thời gian chưa đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến và cho rằng khi dự thảo “đẩy sang” giai đoạn thẩm tra rồi thì sự tham gia của ban soạn thảo chỉ có mức độ, còn cơ quan thẩm tra “bơi kiểu gì thì bơi cho đến khi dự án luật trình ra Quốc hội”.
Cũng theo bà Nga, việc phân công cán bộ của cơ quan bộ ngành tham gia cũng còn vấn đề, nhiều khi lãnh đạo có tham gia ở mức độ còn lại “khoán trắng” cho chuyên viên, rồi sau đó “chạy tiếp sức” khi lúc đầu đồng chí A dự, rồi đến đồng chí B, đồng chí C, có người không thông thạo lĩnh vực hoặc tham gia “bữa đực bữa cái”. Do đó cần làm chặt để đảm bảo chất lượng.