Mục 1: Hiểu về mối liên hệ giữa bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình
Như đã nêu ở phần giới thiệu, trọng tâm của cuốn tài liệu này là BLGĐ đối với phụ nữ. Trên thực tế số nạn nhân
của BLGĐ hầu hết đều là nữ. Dù số liệu thống kê có khác nhau nhưng nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể là nạn
nhân của 95% các vụ BLGĐ. BLGĐ đối với phụ nữ thường được gọi là “bạo lực trên cơ sở giới” vì nảy sinh một phần
do địa vị giới còn thấp của phụ nữ trong xã hội. Ở hầu hết các nền văn hóa, mối quan hệ bất bình đẳng về quyền
lực giữa nam và nữ, được tạo ra và duy trì bởi những khuôn mẫu giới, là nguyên nhân cơ bản sâu xa của bạo lực
đối với phụ nữ.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã quan tâm xây dựng khung pháp lý để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và BLGĐ. Năm
2006, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng Giới và năm 2007 đã thông qua Luật
phòng, chống bạo lực gia đình. Việc ban hành 2 luật này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam đối
với vấn đề bình đẳng giới và bạo lực gia đình và vai trò quan trọng của bình đẳng giới đối với các mục tiêu phát
triển của đất nước.
Mặc dù đã có khung pháp lý, bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề phức tạp có nguyên nhân gốc rễ từ những thái
độ và hành vi khó thay đổi. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, thái độ và quan điểm lâu nay coi phụ nữ là thấp
kém hơn nam giới và nền văn hóa gia trưởng khiến cả nam giới và phụ nữ đều chấp nhận, chịu đựng và thậm chí
hợp lý hóa BLGĐ và nạn nhân thì tiếp tục im lặng khi bị BLGĐ. Các cán bộ hành pháp và tư pháp cần hiểu rõ những
thái độ và quan điểm văn hóa truyền thống ăn sâu nói trên về quan hệ giới và vai trò giới khi xử lý vấn đề BLGĐ.
Mô-đun này nhằm nâng cao hiểu biết về những hình thức của BLGĐ, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và khái niệm
bình đẳng giới.